Hoãn xử án dân sự (hợp đồng kinh tế)

Xin LS Trí tư vấn về thời hạn đưa vụ án ra xét xử, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, em tìm hiểu thì không biết có thiếu sót gì không:
 

Căn cứ theo quy định tại Điều 29, Điểm b Khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2004, được sửa đổi bổ sung ngày 29/3/2011 ("BLTTDS”) về thời hạn chuẩn bị xét xử, thì thời hạn chuẩn bị xét xử đối với vụ kiện của là hai tháng kể từ ngày tòa thụ lý vụ án. Trong trường hợp Chánh án có quyết định gia hạn thời hạn này theo quy định của pháp luật, thì thời hạn gia hạn tối đa là một tháng.

 

Căn cứ vào Khoản 2 Điều 179 BLTTDS, trong thời hạn chuẩn bị xét xử như nêu trên, Tòa án nhân quận phải có quyết định đưa vụ án ra xét xử nếu không có các quyết định hoặc Công nhận sự thoả thuận của các đương sự; hoặc Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; hoặc Đình chỉ giải quyết vụ án.

 

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 179 BLTTDS, trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà. Trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là hai tháng.

Và xin hỏi thêm, trường hợp có thư mời đến dự xử án rồi,

- tự nhiên 3 ngày trước khi xử, toà thông báo do bên bị đơn không dự được nên hoãn xử, thông báo sau, hoặc

- tự nhiên 2 ngày trước khi xử, toà thông báo do 01 thành viên Hội thẩm nhân dân có việc cá nhân đột xuất phải về quê không dự được nên hoãn xử, thông báo sau, 

thì 2 trường hợp này căn cứ vào điều khoản nào của luật pháp để được hoãn xử??? và số lần hoãn hay tổng thời hạn hoãn tối đa là bao nhiêu???




Mời đánh giá Chất lượng bài viết, cám ơn!

Có 0 đánh giá cho thảo luận, bài viết này

Ý KIẾN BÌNH LUẬN

Đăng bởi Đặng Thành Trí

05:28 PM, 19/03/2013

Hi bác Phong,
Xin trả lời thắc mắc của bác như sau:

Trường hợp 1: Theo quy định tại điều 199 BLTTDS: 
"1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.

2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập có người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;

d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”
 
Trường hợp 2: Theo quy định tại điều 51 BLTTDS:
"1. Trước khi mở phiên toà, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án do Chánh án Toà án quyết định; nếu Thẩm phán bị thay đổi là Chánh án Toà án thì do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định.

Trước khi mở phiên toà, việc thay đổi Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

2. Tại phiên toà, việc thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên do Hội đồng xét xử quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số.

Trong trường hợp phải thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án, Kiểm sát viên thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà. Việc cử Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Toà án thay thế người bị thay đổi do Chánh án Toà án quyết định; nếu người bị thay đổi là Chánh án Toà án thì do Chánh án Toà án cấp trên trực tiếp quyết định. Việc cử Kiểm sát viên thay thế Kiểm sát viên bị thay đổi do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp quyết định; nếu Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Thời hạn hoãn phiên tòa:
Theo quy định tại khoản 1 & 4 điều 208 BLTTDS:
"thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm là không quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Và Trong trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng biết về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa.”

Và theo hướng dẫn tại điểm 3.1 khoản 3 mục III Nghị quyết 02/2006/NQ-HĐTP: "Nếu phiên toà xét xử một vụ án bị hoãn nhiều lần, thì thời hạn của mỗi lần hoãn phiên toà không được quá giới hạn cho phép là ba mươi ngày, kể từ ngày Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên toà của lần đó. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, bảo đảm việc mở lại phiên toà xét xử vụ án theo đúng quy định, thì sau khi hoãn phiên toà Toà án phải có kế hoạch mở lại phiên toà trong thời gian sớm nhất mà không nhất thiết phải để đến 30 ngày mới mở lại phiên toà".
 
Hy vọng đã giải đáp được thắc mắc của anh. 
Nếu có vấn đề gì cần trao đổi thêm, anh vui lòng liên lạc nhé.



Thông tin nhóm

Loại nhóm: Nhóm công khai

Thành viên: 1726  |  Sinh nhật: 2/2

Bài viết: 22  |  Bình luận: 111

Lượt xem: 141468

Thành viên Sáng lập

Thành viên nổi bật


ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU