Chẳng
có thống kê, tổ chức nào chính thức bình bầu Kiều Trinh là nhân vận nữ số 1 của
bóng đá Đông Nam Á. Nhưng nghiễm nhiên trong suối 8 năm qua, túc cầu nữ khu vực
tôn cô gái Sa Đéc là số 1.
Cái danh này có thể không chính danh, nhưng xứng danh. Và thử hỏi bóng đá Việt
Nam trong ngần ấy năm, ai đủ sức để được tôn lên như Kiều Trinh? Xin lỗi cánh
mày râu chơi bóng hiện tại, các anh không đủ sự xuất sắc, bền bỉ như Kiều Trinh
để dám nhận điều ấy đâu.
Người hùng của bóng đá nữ Việt Nam, thủ thành Đặng Thị Kiều Trinh (Ảnh: QL)
Còn sức còn chơi
Chưa đầy 18 tuổi, Trinh được đôn lên bắt chính ở đội TP.HCM thay cho đàn chị
Kim Hồng. Rồi dưới sự chỉ dẫn, dìu dắt của danh sư Kim Hồng, Trinh dần trở
thành cao đồ.
Lần đầu tiên Trinh đứng trong khung gỗ ĐTQG cách đây đã 8 năm. Tưởng rằng ngày
ấy khi HLV Mai Đức Chung đặt niềm tin vào cô gái Sa Đéc này, ông có phần mạo
hiểm.
Nhưng không, Trinh đã chứng minh nhãn quan của ông Chung "xe ca” sâu tỏ lắm. Và
một năm sau khi lên tuyển, Trinh cùng động đội xuất sắc mang Vàng về cho tổ
quốc ở SEA Games 24. Năm đó Trinh tròn đôi mươi, Trinh ăn mừng chiến thắng
trong sự choáng váng bởi không ngờ!
Năm 2006, Trinh cùng Ngọc Châm, Văn Thị Thanh… những cô gái 1985, đồng lứa với
Trinh, tiếp tục tạo nên kỳ tích cho bóng đá nữ Việt Nam khi đăng quang tại giải
vô địch Đông Nam Á được tổ chức ở TP.HCM.
Sau lần vô địch này, bóng đá nữ Việt Nam rơi vào cơn thoái trào vì chuyển giao
thế hệ. Lần lượt Ngọc Mai, Minh Nguyệt, Thúy Nga, Bích Hạnh… những đàn chị từng
song hành, chia lửa bên Trinh giã từ đội tuyển, để lại một khoảng trống mà
người trẻ như Trinh khó lòng khỏa lấp.
Năm 2007 trên đất Thái, cô gái Sa Đéc ôm mặt nức nở vì đội tuyển đánh rơi mất
Vàng. Cái sự rơi đến tức tưởi vì ông trọng tài xử ép. Song cũng từ cú ngã ngày,
cuộc chuyển giao thế hệ của bóng đá nữ Việt Nam chính thức đi vào bình ổn, một
thế hệ Vàng thứ hai được sản sinh mà Kiều Trinh là trụ cột, là cầu nối vững
chắc.
Chao Anouvong ở xứ sở Triệu voi tháng 12/2009, tôi cùng hàng ngàn người mặc áo
đỏ mang cờ tổ quốc tràn xuống sân, hân hoan ôm trọn những cô gái Việt Nam vào
lòng vì họ vừa trở lại vị thế số 1 khu vực bằng tấm HCV SEA Games 25. Riêng
Kiều Trinh, cô còn để lại nỗi ám ảnh từ đôi tay trên chấm 11m lên những khuôn
mặt rũ buồn của người Thái.
Trở về từ đất Lào, số đông những cô gái 1985 như Trinh bắt đầu lùi về đời
thường, hoặc đeo đuổi nghiệp cầm quân. Ví như Văn Thị Thanh, Ngọc Châm. Kể ra
để thấy, so với cánh mày râu, nghiệp quần đùi áo số của phái yếu ngắn ngủi hơn
rất nhiều.
Một bữa, thấy đồng đội của Kiều Trinh lần lượt treo giầy, tôi có hỏi Trinh về
dự tính giải nghệ, Trinh cười – nụ cười kiểu con gái miền Tây ưa mến, Trinh nói
– kiểu thật thà bụng dạ: "Em còn sức, còn chơi!”

Một chuyên gia bắt phạt đền (Ảnh: QL)
Và đã chơi là khiến đối thủ ám ảnh
Bây giờ Trinh 28 tuổi, Trinh lớn tuổi nhất đội và Trinh là chỗ dựa tinh thần
vững chắc cho cả một đoàn quân. Cứ nhìn cái cách Trinh đứng trong khung gỗ, bảo
về mành lưới mà xem. Đĩnh đạc, bản lĩnh lắm! Đồng đội ra sân, cứ yên tâm mà đá.
Hôm 22/09, xem Trinh bắt trận chung kết giải vô địch Đông Nam Á, có người ngồi
khán đài khen Trinh: "Gừng già mà, cay phải biết!”.
Thì đúng là "gừng già, cay phải biết” mới có một Kiều Trinh vừa kinh nghiệm,
vừa xuất thần cứu thua cho đội nhà trước những cú ra chân của đối thủ, có một
Kiều Trinh thổi lửa tinh thần lên đồng đội để họ chiến đấu cho tới những giây
phút cuối cùng.
Rồi ở giây phút cuối cùng ấy, cũng là lúc mọi niềm tin hướng về Trinh – hướng
về nữ thủ thành số 1 Đông Nam Á trong 8 năm trở lại đây, hướng về đôi tay của
chuyên gia bắt phạt đền.
Những cô gái Thái Lan đã hơn một lần từng mất bình tĩnh khi đối diện với Trinh
trên chấm 11m. Và những cô gái đến từ xứ Miến Điện cũng không là ngoại lệ. Bởi
vậy, thêm một lần đối diện với Trinh cũng là thêm một lần họ không thể vượt qua
nỗi ám ảnh cô gái Sa Đéc và chấp nhận nhìn Kiều Trinh cùng ĐT nữ Việt Nam lên
ngôi giải bóng đá nữ Đông Nam Á.
Vĩ thanh

Kiều Trinh nhận cái bắt tay của Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (Ảnh: QL)
Ai đó đọc bài viết này của tôi, có thể bảo tôi đã hết lời tán tụng Kiều Trinh.
Nhưng hãy cùng tôi chia sẻ, cô gái Sa Đéc đáng được nhận những lời như thế này
vì lâu nay, cô ấy khác những anh chàng mặc áo ĐTQG luôn thiệt thòi ngay cả
trong những lời khen ngợi từ báo giới.
Hơn tất cả, tôi tin rằng, một lần khen hay vạn lần khen với Trinh và những đồng
đội của cô trong màu áo đội tuyển, họ vẫn ở mặt đất, lầm lũi góp nhặt những
thành quả cho bóng đá Việt Nam, lần lũi làm nên những kỳ tích mà nhìn vào, đấng
mày râu đá bóng hiện tại phải hổ thẹn!