QUY ĐỊNH VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, việc xảy ra tranh chấp giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động hoặc/và tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động về quyền và lợi ích phát sinh trong quan hệ lao động là hầu như không thể tránh khỏi. Nếu các tranh chấp này không được giải quyết một cách triệt để, đúng theo quy định của pháp luật sẽ gây thiệt hại lớn đến tài sản và uy tín của Doanh nghiệp. Với chuyên đề này, Diễn dàn đã tổng hợp các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục nhằm giúp thành viên tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật khi giải quyết tranh chấp. Cụ thể như sau:

 

I. Các nguyên tắc khi giải quyết tranh chấp lao động:

Việc giải quyết các tranh chấp lao động được tiến hành theo những nguyên tắc sau đây:

- Thương lượng trực tiếp, tự dàn xếp và tự quyết định của hai bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp;

- Thông qua hoà giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội và tuân theo pháp luật;

- Giải quyết công khai, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật;

- Có sự tham gia của đại diện người lao động và đại diện người sử dụng lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp.

 

II. Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động:

Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên giải quyết tranh chấp lao động thông qua thương lượng, hoà giải nhằm bảo đảm lợi ích của hai bên tranh chấp, ổn định sản xuất, kinh doanh, trật tự và an toàn xã hội. Việc giải quyết tranh chấp lao động tại cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động được tiến hành khi một bên từ chối thương lượng hoặc hai bên đã thương lượng mà vẫn không giải quyết được và một hoặc hai bên có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động. Theo đó, cơ quan giải quyết tranh chấp lao động gồm:


2. Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

2.1Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:

2.1.1 Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động tiến hành hoà giải tranh chấp lao động cá nhân theo quy định sau đây:

- Thời hạn hoà giải là không quá ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải;

- Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể cử đại diện được uỷ quyền của họ tham gia phiên họp hoà giải.

Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét.

Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành có chữ ký của bên tranh chấp có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản;

- Trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết.

2.1.2 Toà án nhân dân giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động hoà giải không thành hoặc không giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải. Trừ các trường hợp tranh chấp sau đây không bắt buộc phải qua hoà giải tại cơ sở:

- Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

- Tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội do hai bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì do Toà án nhân dân giải quyết

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.


2.2 Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

- Một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với các tranh chấp lao động về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

- Một năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với tranh chấp tranh chấp giữa người lao động đã nghỉ việc theo chế độ với người sử dụng lao động hoặc với cơ quan bảo hiểm xã hội, giữa người sử dụng lao động với cơ quan bảo hiểm xã hội;

- Ba năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp xuất khẩu lao động;

- Sáu tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích của mình bị vi phạm đối với các loại tranh chấp khác.


2.3 Vấn đề pháp lý phát sinh khi giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

- Khi xét xử, nếu Toà án nhân dân phát hiện hợp đồng lao động trái với thoả ước lao động tập thể, pháp luật lao động; thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế, các thoả thuận khác trái với pháp luật lao động thì tuyên bố hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế, các thoả thuận khác vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ.


Thẩm quyển và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể

3.1Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyêt tranh chấp lao động tập thể:

3.1.1 Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động;

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện);

- Toà án nhân dân.

3.1.2 Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:

- Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động;

- Hội đồng trọng tài lao động.


3.2 Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền:

3.2.1 Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền củaHội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động:

- Việc lựa chọn Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động giải quyết tranh chấp lao động tập thể do tập thể lao động và người sử dụng lao động quyết định.

- Trình tự hoà giải tranh chấp lao động tập thể được thực hiện theo quy định tại điểm 2.1.1 nêu trên của Chuyên đề này. Trường hợp hoà giải không thành thì trong biên bản phải nêu rõ loại tranh chấp lao động tập thể.

3.2.2 Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền củaChủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

§ Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện giải quyết, cụ thể như sau:

- Thời hạn giải quyết là không quá năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết;

- Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền phải có mặt đại diện có thẩm quyền của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện mời đại diện công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở và đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào pháp luật lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét, xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật của các bên.

3.2.3 Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền của Tòa án nhân dân: Sau khi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết mà hai bên vẫn còn tranh chấp hoặc hết thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết mà Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện không giải quyết thì mỗi bên có quyền yêu cầu Toà án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự số 24/2004/QH11 ngày 15/6/2004 hoặc tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.


3.3Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

3.3.1 Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động giống với Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về quyền nêu tại điểm 3.2.1 của Chuyên đề này.

3.3.2 Thẩm quyền, trình tự giải quyết đối với các tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động:

Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc hết thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải mà Hội đồng hoà giải lao động cơ sở hoặc hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết, cụ thể như sau:

§Thời hạn hoà giải là không quá bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải;

§Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích phải có mặt đại diện có thẩm quyền của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở và đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp:

- Hội đồng trọng tài lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét.

- Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải thành, có chữ ký của hai bên tranh chấp, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trọng tài lao động. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thoả thuận ghi trong biên bản hoà giải thành.

- Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hoà giải không thành, có chữ ký của bên tranh chấp có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trọng tài lao động.

- Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn một ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản;

§Trường hợp Hội đồng trọng tài lao động hoà giải không thành hoặc quá bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu hoà giải mà Hội đồng trọng tài lao động không tiến hành hoà giải thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.


4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể: 

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể là một năm, kể từ ngày xảy ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.

5. Lưu ý: 

Trong khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đang tiến hành việc giải quyết tranh chấp lao động thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia.

-----

Ls. Đặng Thành Trí - Trưởng Văn phòng Luật sư Đặng Thành Trí

Địa chỉ: Phòng T.2, tầng trệt, tòa nhà Á Châu, số 140/1 Lý Chính Thắng, Phường 7, Q.3, Tp.HCM.

Mobile: 0908 32 16 85

Email: [email protected]

Website: tri-lawyer.com

 





Mời đánh giá Chất lượng bài viết, cám ơn!

Có 0 đánh giá cho thảo luận, bài viết này

Ý KIẾN BÌNH LUẬN


Thông tin nhóm

Loại nhóm: Nhóm công khai

Thành viên: 1726  |  Sinh nhật: 2/2

Bài viết: 22  |  Bình luận: 111

Lượt xem: 141399

Thành viên Sáng lập

Thành viên nổi bật


ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU