Ông chủ Zara, vị tỷ phú lập nghiệp ở tuổi 40

Tuần qua, tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega có lúc vượt lên tỷ phú người Mỹ Bill Gates trong xếp hạng những người giàu nhất thế giới của tạp chí Forbes. 

Sau đó, khi cổ phiếu của Microsoft tăng trở lại, Bill Gates đã nhanh chóng lấy lại vị trí này, nhưng vẫn đối mặt với khả năng bị tỷ phú thời trang "soán ngôi” một lần nữa.

Nhà sáng lập kiêm chủ tịch hãng thời trang Inditex hiện đang có tổng tài sản ở mức 79,8 tỷ USD, so với con số 79,3 tỷ USD của Bill Gates vào sáng ngày thứ Sáu vừa qua. Phần lớn tài sản của Ortega nằm ở cổ phần 60% mà ông nắm giữ trong Inditex - tập đoàn sở hữu thương hiệu Zara đình đám.

Những năm gần đây, tài sản của ông liên tục "phình to” nhờ cổ phiếu tăng giá. "Đế chế” thời trang Zara của ông hiện đã có 6500 cửa hàng tại 88 quốc gia trên thế giới, doanh thu mỗi năm đạt hơn 18 tỷ Euro.

Tuổi thơ khốn khó

Khác với phần lớn các tỷ phú châu Âu khác giàu có nhờ tài sản của gia đình, như tỷ phú George Schaeffler của Đức, Liliane Bettencourt của Pháp và Gerald Grosvenor đều được thừa kế những gia tài lớn, Amancio Ortega có một tuổi thơ rất khốn khó.

Bố của Amancio Ortega làm công nhân đường sắt, còn mẹ làm nội trợ. Mỗi tháng, ông chỉ kiếm được khoảng 300 Petesa, một mức lương vô cùng khiêm tốn, trong bối cảnh kinh tế Tây Ban Nha còn đang khó khăn sau nội chiến những năm 1930. Để mua được một chục trứng cho gia đình, ông mất đến 1/3 lương tháng.

Trong cuốn hồi ký về cuộc đời mình, Amancio Ortega từng viết như sau: "Cha mẹ tôi đến cửa hàng mua rau và họ nói với mẹ tôi rằng họ sẽ không bán chịu cho mẹ tôi nữa”. Kết quả là bữa tối hôm đó, gia đình ông không có gì để ăn.

Tình cảnh quá thiếu thốn khiến ông không còn cảm thấy hứng thú với học hành nữa, nên bỏ học ở tuổi 13 và sau đó đến làm việc tại một cửa hàng bán quần áo ở La Coruna, thành phố quê hương của ông.

Chính tại nơi này, ông tìm thấy niềm yêu thích của mình đối với các sản phẩm may mặc, và không ngừng học hỏi, sáng tạo ra các mẫu quần áo của riêng mình. Mối lương duyên của ông với người bạn đời Rosalia Mera cũng bắt đầu tại đây.

Khi ấy, người ta thường nhìn thấy một chàng trai trẻ cần mẫn may áo choàng tắm cho phụ nữ ở cửa hàng. Ông làm việc ngày đêm không mệt nghỉ và luôn nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo cho mẫu mới.

Cửa hàng mang tên Zara đầu tiên mở cửa vào năm 1975, khi Amancio Ortega đã gần 40 tuổi. 

Theo nhà thiết kế thời trang Mark Tungate, Zara không phải cái thương hiệu ban đầu mà Ortega lựa chọn. Ông thích tên Zorba với cảm hứng từ bộ phim Zorba the Greek. 

Thế nhưng, khi ông đi đăng ký bản quyền, cái tên đó đã thuộc về người khác. Cuối cùng, ông đã nghĩ ra tên Zara - một cái tên với đầy đủ vẻ nữ tính và sành điệu. 

10 năm sau, khi có tham vọng sáng lập ra thêm nhiều thương hiệu khác, ông thành lập tập đoàn Inditex.

Nguyên tắc thành công

Từ ngày đầu tiên Zara đi vào hoạt động, Ortega đã tuân thủ chặt chẽ hai nguyên tắc hoạt động, và chính điều này đã làm nên thành công cho Zara. 

Thứ nhất là tốc độ, Zara thay mới sản phẩm với tốc độ nhanh chóng mặt. Mỗi tuần thay mới sản phẩm hai lần, các đơn đặt hàng được cung ứng chỉ trong 48 tiếng.

Nguyên tắc thứ hai là cung cấp sản phẩm thời trang tiêu dùng nhanh (fast fashion), mang đến cho khách hàng những gì họ muốn, càng nhanh càng tốt.

Những sản phẩm nào khách không mua hoặc mua ít sẽ ngay lập tức được quản lý cửa hàng xem xét và tìm hiểu nguyên nhân. Quản lý cửa hàng là những người được đào tạo để kiểm soát kỹ lưỡng việc mặt hàng nào đang bán chạy, khách hàng đang tìm kiếm cái gì, họ đang mặc gì và báo cáo về bộ phận quản lý, thiết kế cấp cao hơn.

Với cách sắp xếp này, ý tưởng mới sẽ được hiện thực hóa thành sản phẩm và đưa đến các cửa hàng chỉ trong 3 tuần, chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của phần lớn các hãng bán lẻ quần áo lớn khác trên thế giới.

Trên thực tế, Zara không phải thương hiệu quần áo duy nhất mà Inditex đang sở hữu. Hãng còn đang nắm một loạt các thương hiệu khác khiến giới sành thời trang thế giới "phát sốt”, bao gồm Massimo Dutti, Zara Home, Kiddy’s Class, Tempe, Stradivarious, Pull and Bear, và Bershka.

Theo nhà tạo mẫu thời trang Mark Tungate, bí quyết của Zara còn nằm ở chỗ dù sản phẩm được cung cấp ra chỉ là sản phẩm hạng trung, nhưng hãng đã mang đến cho khách hàng một cảm giác rất sang trọng.

Cửa hàng của Zara thường có diện tích rất lớn và nằm ở các khu vực trung tâm. Khi bước vào cửa hàng, dù là thời trang giá trung bình nhưng khách hàng thường thấy rất thoải mái. 

Khi các mẫu quần áo của các nhà thiết kế danh tiếng vừa xuất hiện trong tuần lễ thời trang thế giới thì chỉ vài tuần sau, những mẫu quần áo có thiết kế gần tương tự đã được bày bán ở Zara.

Dù điều đó làm mất lòng số ít các nhà thiết kế, nhưng lại mang đến niềm vui cho hàng trăm nghìn tín đồ thời trang không đủ tiền để mua sản phẩm gốc, vốn cực kỳ đắt đỏ.

Ngoài ra, hệ thống cung cấp và phân phối sản phẩm của Zara bao gồm nhà thiết kế, quản lý cửa hàng và các nhà máy của Inditex cũng phối hợp vô cùng thống nhất.

Một điểm đáng chú ý khác. Trong khi nhiều hãng quần áo chuyển dịch sản xuất sang các nước châu Á, hiện nay hơn một nửa sản phẩm của Zara vẫn được làm ra tại các nhà máy ở châu Âu. 

Vươn lên đứng đầu

Với những nỗ lực trong cung cấp hàng hóa tốt, trân trọng từng người tiêu dùng, Inditex nói chung và Zara nói riêng phải chi rất ít tiền cho quảng cáo. 

Một tính toán của giáo sư kinh tế tại Đại học High Point, ông Stephanie Crofton cho thấy Inditex chỉ cần phải dành 0,3% tổng doanh thu cho quảng cáo, trong khi đó con số này với nhiều hãng bán lẻ khác là 3,5% cho đến 5%.

Thương hiệu Zara đã tồn tại và phát triển được 4 thập kỷ, con số đó với Inditex là 3 thập kỷ, thế nhưng phần lớn tài sản của ông Ortega có được chủ yếu trong khoảng 10 năm gần đây, khi cổ phiếu của Inditex tăng chóng mặt.

Inditex và tất cả những thương hiệu thời trang mà hãng đang nắm giữ vẫn đứng vững, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và khi kinh tế Tây Ban Nha suy thoái.

Theo Google Finance, cổ phiếu của công ty Inditex tăng 570% trong 10 năm qua. Ortega hiện nắm 59% cổ phần của Inditex.

Dù giàu có nhất nhì thế giới, thế nhưng trong đời thường, Ortega là một người khiêm nhường và giản dị.

Thậm chí, ông không có phòng làm việc riêng, mà thường ngồi chung với nhân viên trong xưởng may và ăn trưa trong cùng một nhà ăn với họ. Ông luôn trao đổi trực tiếp và thường xuyên với các nhà thiết kế, chuyên gia về vải sợi cũng như người mua hàng.

Ông vẫn đến những tiệm cà phê xưa cũ, nơi ông đã gắn bó phần lớn cuộc đời của mình. Với những người bán hàng nơi đây, chàng thanh niên nghèo khó Ortega ngày nào và tỷ phú Ortega hiện nay cũng không khác gì nhau. 

Từ tháng 6/2011, ông đã từ chức Chủ tịch Zara. Hiện ông có 3 con, con gái lớn của ông cũng là người phụ nữ giàu nhất Tây Ban Nha, với 7% cổ phiếu Inditex.

Ông luôn né tránh truyền thông trong suốt nhiều thập niên qua. Những người làm việc chung với ông thường nói rằng ông không thích thể hiện bản thân mình, bởi theo Ortega, thành công của công ty đến từ nỗ lực và sáng tạo của tập thể, chứ không chỉ riêng ông.

Thành công của Ortega được nhà kinh tế sử học Carlos Rodriguez Braun tóm tắt trong cuốn hồi ký về nhà sáng lập thương hiệu Zara như sau: "Dù được sinh ra trong một hoàn cảnh đầy bất lợi, ông đã dựa vào sự sáng tạo để vươn lên đến đỉnh cao. Ông đẩy nhanh sự phát triển của sản phẩm bằng cách rút ngắn thời gian thiết kế, chọn những địa điểm đẹp nhất để bán hàng, chấp nhận bán hàng từ sáng sớm đến tối mịt, để phục vụ mọi đối tượng khách hàng. Và cuối cùng, điều thần kỳ đã đến”.


Mời đánh giá Chất lượng bài viết, cám ơn!

Có 0 đánh giá cho thảo luận, bài viết này

Ý KIẾN BÌNH LUẬN


Thông tin nhóm

Loại nhóm: Nhóm công khai

Thành viên: 1723  |  Sinh nhật:

Bài viết: 5  |  Bình luận: 0

Lượt xem: 318038

Đội Trưởng

Thành viên nổi bật


ĐỐI TÁC TIÊU BIỂU